Trong những năm qua, công tác giảm nghèo ở tỉnh Cà Mau đã được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Theo thống kê, đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 24.095 hộ nghèo, chiếm 8,24% và 13.078 hộ cận nghèo, chiếm 4,47%; năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,72% (kế hoạch giảm 2%), tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 6,52% (khoảng 19.000 hộ). Đạt được kết quả đó là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân; cũng như sự quan tâm, giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Nhìn chung, bộ mặt đời sống người dân ngày khởi sắc; nhiều hộ nghèo đã phấn đấu, vươn lên lên trong cuộc sống, tích cực lao động, sản xuất để thoát nghèo.

Giảm nghèo bền vững là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là việc giảm nghèo chưa thật sự vững chắc; số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới là khá cao, nhất là trong điều kiện hiện nay, giá cả hàng hóa đắt đỏ, trong sản xuất gặp rủi ro, hay ốm đau... thì những hộ vừa thoát nghèo và những hộ cận nghèo sẽ rơi vào diện hộ nghèo. Bên cạnh đó, còn một bộ phận người nghèo thiếu ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo; chưa thật sự chí thú làm ăn, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội. Vấn đề này, qua tiếp xúc cử tri, bà con cử tri cũng có nhiều phản ánh, kiến nghị.

Công tác giảm nghèo là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và giữa các dân tộc; góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội. Đại biểu cho rằng để giảm nghèo bền vững thì phải “Trao cần câu, chứ không trao con cá”. Vì vậy, cùng với việc thực hiện các chính sách chăm lo, hỗ trợ, cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tuyên truyền, giáo dục để người nghèo nâng cao ý thức tự lực vươn lên, chí thú lao động, sản xuất để ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Trồng rau má góp phần tăng thu nhập cho người nghèo

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách như hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ người nghèo về giáo dục, y tế; trang bị kiến thức cho hộ nghèo, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao hiệu quả… Trong đó, công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người nghèo cần được chú trọng, vì đây được coi là giải pháp căn cơ để giảm nghèo bền vững. Đi đôi với các chính sách hỗ trợ, các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm thực hiện sự kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời giúp đỡ, động viên để người nghèo yên tâm lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phạm Ngọc

Nhận xét

Bài liên quan